Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Cuộc “phô diễn” ở thánh đường Dương cầm

Cuộc “phô diễn” ở thánh đường Dương cầm


Tác giả: Hoàng Long
            Nằm trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 55 năm thành lập Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh, vừa qua, chương trình Festival Piano quốc tế năm 2011 lần đầu tiên đã diễn ra liên tục 5 ngày từ 18/10 đến 23/10/2011.



            Mở đầu cho Festival Piano là 2 ngày hội thảo đầy thú vị. Trong ngày 18/10 là hội thảo Lịch sử nghệ thuật đàn piano do thạc sĩ Võ Bảo Lạc Nhân - chuyên gia về tâm lý sư phạm và phương pháp giảng dạy tại Trường Stepman (Bỉ) - chủ trì. Hội thảo đã giới thiệu về tiền thân của đàn piano cũng như quá trình cải tiến và hoàn thiện việc chế tác đàn piano hiện đại. Tổng quát về đặc điểm, bối cảnh lịch sử, các trường phái sáng tác âm nhạc cho đàn piano trên thế giới, các nhà soạn nhạc tiêu biểu với các thể loại sáng tác, nghệ thuật biểu diễn đàn piano phát triển qua từng thời kỳ: Baroque (Tiền Cổ điển), Classic (Cổ điển), Romantic (Lãng mạn), Impressionist (Ấn tượng), các trào lưu sáng tác trong thế kỷ 20 và hiện đại.
            Tiếp đó, sáng ngày 19/10 đã diễn ra hội thảo chuyên đề về sự ảnh hưởng của nhà soạn nhạc Franz Liszt đối với sự phát triển của nền âm nhạc thế giới do nghệ sĩ piano, nhạc trưởng Văn Hùng Cường - giảng viên khoa piano tại ÐH Cộng đồng Bắc Virginia và ÐH Shenandoah (Mỹ) diễn thuyết. Một lần nữa đông đảo công chúng đến tham dự được hiểu rõ hơn về nghệ thuật biểu diễn piano cũng như những kỹ thuật bậc thầy của nghệ sĩ đại tài người Hungary – Franz Liszt qua các bản Etude, Hungary hapsodie, các bản Opera cũng như những cách tân của ông về cấu trúc hình thức tác phẩm. Có thể nói, việc quy tụ những nghệ sĩ hàng đầu trên thế giới về nghệ thuật trình diễn Piano là một nỗ lực lớn nhằm hướng đến mục đích tạo dựng những hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp nhất là đối với bộ môn Piano hàn lâm. “Với ý chí và quyết tâm, tập thể cán bộ khoa Piano cũng như Ban Giám Đốc đã từng bước vượt qua những khó khăn khi tổ chức chương trình. Vì đây là lần đầu tiên Nhạc Viện tổ chức một chương trình có tầm cỡ quốc tế và cũng hài lòng với kết quả tốt đạt được” -Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương, Giám Đốc Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh cho biết.
            Ngày 20/10 là chương trình Piano Masterclass do giáo sư Boris Kraljevic và Rena Cheung Phua đảm trách. Khóa học ngắn không chỉ thu hút đông đảo học sinh sinh viên chuyên ngành Piano đến theo dõi mà thông qua đó đã mở ra nhiều điều còn mới lạ đối với nghệ thuật trình diễn Piano cho sinh viên, học sinh.
            Sự chờ đợi của công chúng mộ điệu rồi cũng phải đến lúc được thoả mãn. Ba đêm liên tiếp (21, 22 và 23/10) là phần trình diễn đầy thú vị, hào hứng từ phía lực lượng nghệ sĩ hiện đang là giảng viên, học viên khoa Piano Nhạc Viện TP. HCM, Học Viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học Viện âm nhạc Huế với hầu hết những tác phẩm thuộc các giai đoạn lịch sử, các thời kì phát triển  âm nhạc trên thế giới. Những ngón tay điêu luyện, những thanh âm trong trẻo, những tấu khúc lần lượt vang lên tại thánh đường dương cầm đã làm biết bao trái tim phải rung lên. Rất giản dị, mộc mạc và gần gũi, từng tiết mục là sự hứng khởi đa dạng với sự chuẩn bị chu đáo từ phần trình diễn của các nghệ sĩ nhí đến các nghệ sĩ là giảng viên Piano chuyên nghiệp.

            Nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ thế kỉ 17 đến các nhạc sĩ thế kỉ 20 với các trường phái khác nhau như: Giuseppe Domenico Scarlatti, Anton Diabelli, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, Frederic Chopin, Kabalevsky, Bella Bartok, Prokofiev, Albert Berg, Ravel, Debussy, Franz Liszt, Schumann, Glinka, Gluck, Rachmaninoff, Tchaikovsky… đã vang lên với phần trình diễn đầy màu sắc của Giáo sư Boris Kraljevic cùng thạc sĩ Lê Hồ Hải, thạc sĩ Nguyễn Thùy Yên, Rena Cheung Phua qua tiếtmục 2 đàn Piano 8 tay. Đó là chưa kể đến tiết mục solo của pianist Phạm Hoài Châu qua tác phẩm Variation on Alabieff's Romace  "the --nightingale" của nhạc sĩ nổi tiếng người Nga Mikhail Glinka, tiết mục một đàn Piano với 6 tay của “ba nàng tiên áo trắng” Trương Thanh Ái Nguyên, Trần Mai Hồng và Trần Bảo Linh  - một tiết mục mà “hình như” chưa một lần xuất hiện tại "thánh đường" này, hay như song tấu đàn Piano với tác phẩm của Arutiunian và Babajanian… rất đa dạng và phong phú về hình thức và thể loại trình tấu đã được giới thiệu trong Festival Piano lần này.
            Festival Piano quốc tế lần đầu tiên đã khép lại trong sự nuối tiếc của những trái tim yêu nghệ thuật. Có thể thấy sự mãn thính và hài lòng của đông đảo công chúng yêu âm nhạc hàn lâm khi đến với Festival Piano năm nay. Mong sao những mùa Festival Piano tiếp theo sẽ là phần trình diễn với những tác phẩm Piano Việt Nam được giới thiệu rộng rãi hơn bởi chính những thầy trò, các nghệ sĩ trẻ Piano hàn lâm tương lai Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh, nhằm quảng bá đến thế giới một thương hiệu Việt - đó chính là Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh.
            Hoàng Long (ANVN22/11-2011)

Abel, cây đàn tình yêu của người Cơtu

Abel, cây đàn tình yêu của người Cơtu
Tác giả: Nguyễn Văn Sơn
            Nhạc cụ của người Cơtu khá đa dạng và phong phú, đàn Abel là một trong số đó. Người Cơtu gọi Abel là cây đàn tình yêu để rồi qua cây đàn tuy đơn giản này trai gái Cơtu tìm đến nhau kết duyên chồng vợ... Đây là loại nhạc cụ cổ xưa do tổ tiên người Cơtu chế tác và truyền lại cho từng gia đình và từng dòng họ. Thoạt nhìn đàn Abel giống như cây đàn cò của người Kinh. Đàn Abel của người Cơtu được làm bằng thứ gỗ cây dỗi, đàn có hai phần đó là phần đế đàn và thân đàn. Đế đàn được làm từ mảnh gỗ mỏng khoảng 1 cm, chiều dài khoảng 15 cm. Phần thân đàn là một ống lồ ô già có chiều dài khoảng 30 cm, đường kính độ 3 cm, một đầu của ống lồ ô được gắn vào đế của đàn, đầu kia gắn cần đàn (dây kéo). Tuỳ thuộc vào nghệ nhân chế tạo ra đàn mà có trạm trổ nhiều hoạ tiết hoa văn rất đẹp và sinh động. Phần trên của đàn được khoét một lỗ để gắn vào đó một cái chốt nhỏ bằng tre để lên dây đàn, từ đây có một sợi dây đàn được cột vào chốt nhỏ ấy chạy song song với thân đàn (ống lồ ô). Ngoài ra, từ chổ tiếp giáp giữa đế và thân đàn được gắn một sợi chỉ có chiều dài hơn thân đàn vào miếng vẩy trút (vâỷ con tê tê) hình tròn.
Ông Pơling Hạnh, 68 tuổi dân tộc Cơtu thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang tái hiện cảnh tình yêu không lời qua đàn Abel với người vợ của mình. Ảnh: Văn Sơn
Nghệ nhân A Tùng Vẽ, 86 tuổi dân tộc Cơtu hiện ở tại thôn Gừng thị trấn P’rao huyện Đông Giang cho biết: chơi đàn này có thể là một hoặc hai người. Trong trường hợp chơi hai người thì một người dùng cần kéo bằng nứa hoặc tre để tạo ra tiếng qua chổ tiếp giáp giữa dây đàn và thân đàn, đồng thời bàn tay trái bấm vào dây đàn tạo ra âm thanh. Người còn lại dùng miệng và hai hàm răng cắn lấy vẩy trút và giữ cho sợi chỉ trong trạng thái luôn căng, cùng lúc miệng người này vẫn hát nhưng hai hàm răng vẫn cắn chặt lấy vẩy trút tạo nên âm thanh khi trầm khi bổng có sức quyến rũ lạ thường. Đây là đàn để người con trai Cơtu thổ lộ tình yêu của mình với người con gái khi mà họ không nói được lời tâm sự.
Nghệ nhân Tơngôn Oi, 78 tuổi dân tộc Cơtu thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang đang chơi đàn Abel. Ảnh:V.Sơn

Đàn Abel rất có sức quyến rũ, nó có thể sử dụng bất cứ ở đâu, trong chòi rẫy hay trong nhà Moong, trong nhà Gươl, trong những dịp buôn làng có lễ hội truyền thống... Khi người con trai và người con gái Cơtu đến tuổi yêu nhau, họ dùng đàn để nói hộ tình yêu. Trong quá trình chơi đàn, người con trai kéo đàn cùng lúc mắt chàng trai luyết láy mắt với bạn tình của mình, người con gái miệng thì ngậm vẩy trút và răng lúc nào cũng cắn chặt nhưng môi luôn hở để âm thanh từ miệng thoát ra. Vì sợi chỉ ngắn nên khoảng cách giữa hai người càng gần hơn tạo nên sự gần gũi mà kín đáo quyến luyến, hai tâm hồn hoà quyện ở nhau bồng bềnh đôi lúc lại lâng lâng khó diễn tả được.
Nếu có dịp đến vùng đồng bào Cơtu sinh sống vào những dịp lễ hội truyền thống, hay Tết đến xuân về, tiếng đàn Abel thỏ thẻ lại càng làm cho mọi người thêm gần gũi và cởi mở hơn. Cùng với các loại nhạc cụ khác như:kèn Cabluốc, kèn K’loóc, sáo Rahênh...thì đàn Abel là loại nhạc cụ độc đáo gắn liền với truyền thống văn hoá bao đời của người Cơtu trên vùng Trường Sơn. Đáng tiếc rằng hiện nay người biết loại nhạc cụ này còn lại không nhiều./.