Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Cuộc “phô diễn” ở thánh đường Dương cầm

Cuộc “phô diễn” ở thánh đường Dương cầm


Tác giả: Hoàng Long
            Nằm trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 55 năm thành lập Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh, vừa qua, chương trình Festival Piano quốc tế năm 2011 lần đầu tiên đã diễn ra liên tục 5 ngày từ 18/10 đến 23/10/2011.



            Mở đầu cho Festival Piano là 2 ngày hội thảo đầy thú vị. Trong ngày 18/10 là hội thảo Lịch sử nghệ thuật đàn piano do thạc sĩ Võ Bảo Lạc Nhân - chuyên gia về tâm lý sư phạm và phương pháp giảng dạy tại Trường Stepman (Bỉ) - chủ trì. Hội thảo đã giới thiệu về tiền thân của đàn piano cũng như quá trình cải tiến và hoàn thiện việc chế tác đàn piano hiện đại. Tổng quát về đặc điểm, bối cảnh lịch sử, các trường phái sáng tác âm nhạc cho đàn piano trên thế giới, các nhà soạn nhạc tiêu biểu với các thể loại sáng tác, nghệ thuật biểu diễn đàn piano phát triển qua từng thời kỳ: Baroque (Tiền Cổ điển), Classic (Cổ điển), Romantic (Lãng mạn), Impressionist (Ấn tượng), các trào lưu sáng tác trong thế kỷ 20 và hiện đại.
            Tiếp đó, sáng ngày 19/10 đã diễn ra hội thảo chuyên đề về sự ảnh hưởng của nhà soạn nhạc Franz Liszt đối với sự phát triển của nền âm nhạc thế giới do nghệ sĩ piano, nhạc trưởng Văn Hùng Cường - giảng viên khoa piano tại ÐH Cộng đồng Bắc Virginia và ÐH Shenandoah (Mỹ) diễn thuyết. Một lần nữa đông đảo công chúng đến tham dự được hiểu rõ hơn về nghệ thuật biểu diễn piano cũng như những kỹ thuật bậc thầy của nghệ sĩ đại tài người Hungary – Franz Liszt qua các bản Etude, Hungary hapsodie, các bản Opera cũng như những cách tân của ông về cấu trúc hình thức tác phẩm. Có thể nói, việc quy tụ những nghệ sĩ hàng đầu trên thế giới về nghệ thuật trình diễn Piano là một nỗ lực lớn nhằm hướng đến mục đích tạo dựng những hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp nhất là đối với bộ môn Piano hàn lâm. “Với ý chí và quyết tâm, tập thể cán bộ khoa Piano cũng như Ban Giám Đốc đã từng bước vượt qua những khó khăn khi tổ chức chương trình. Vì đây là lần đầu tiên Nhạc Viện tổ chức một chương trình có tầm cỡ quốc tế và cũng hài lòng với kết quả tốt đạt được” -Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương, Giám Đốc Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh cho biết.
            Ngày 20/10 là chương trình Piano Masterclass do giáo sư Boris Kraljevic và Rena Cheung Phua đảm trách. Khóa học ngắn không chỉ thu hút đông đảo học sinh sinh viên chuyên ngành Piano đến theo dõi mà thông qua đó đã mở ra nhiều điều còn mới lạ đối với nghệ thuật trình diễn Piano cho sinh viên, học sinh.
            Sự chờ đợi của công chúng mộ điệu rồi cũng phải đến lúc được thoả mãn. Ba đêm liên tiếp (21, 22 và 23/10) là phần trình diễn đầy thú vị, hào hứng từ phía lực lượng nghệ sĩ hiện đang là giảng viên, học viên khoa Piano Nhạc Viện TP. HCM, Học Viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học Viện âm nhạc Huế với hầu hết những tác phẩm thuộc các giai đoạn lịch sử, các thời kì phát triển  âm nhạc trên thế giới. Những ngón tay điêu luyện, những thanh âm trong trẻo, những tấu khúc lần lượt vang lên tại thánh đường dương cầm đã làm biết bao trái tim phải rung lên. Rất giản dị, mộc mạc và gần gũi, từng tiết mục là sự hứng khởi đa dạng với sự chuẩn bị chu đáo từ phần trình diễn của các nghệ sĩ nhí đến các nghệ sĩ là giảng viên Piano chuyên nghiệp.

            Nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ thế kỉ 17 đến các nhạc sĩ thế kỉ 20 với các trường phái khác nhau như: Giuseppe Domenico Scarlatti, Anton Diabelli, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, Frederic Chopin, Kabalevsky, Bella Bartok, Prokofiev, Albert Berg, Ravel, Debussy, Franz Liszt, Schumann, Glinka, Gluck, Rachmaninoff, Tchaikovsky… đã vang lên với phần trình diễn đầy màu sắc của Giáo sư Boris Kraljevic cùng thạc sĩ Lê Hồ Hải, thạc sĩ Nguyễn Thùy Yên, Rena Cheung Phua qua tiếtmục 2 đàn Piano 8 tay. Đó là chưa kể đến tiết mục solo của pianist Phạm Hoài Châu qua tác phẩm Variation on Alabieff's Romace  "the --nightingale" của nhạc sĩ nổi tiếng người Nga Mikhail Glinka, tiết mục một đàn Piano với 6 tay của “ba nàng tiên áo trắng” Trương Thanh Ái Nguyên, Trần Mai Hồng và Trần Bảo Linh  - một tiết mục mà “hình như” chưa một lần xuất hiện tại "thánh đường" này, hay như song tấu đàn Piano với tác phẩm của Arutiunian và Babajanian… rất đa dạng và phong phú về hình thức và thể loại trình tấu đã được giới thiệu trong Festival Piano lần này.
            Festival Piano quốc tế lần đầu tiên đã khép lại trong sự nuối tiếc của những trái tim yêu nghệ thuật. Có thể thấy sự mãn thính và hài lòng của đông đảo công chúng yêu âm nhạc hàn lâm khi đến với Festival Piano năm nay. Mong sao những mùa Festival Piano tiếp theo sẽ là phần trình diễn với những tác phẩm Piano Việt Nam được giới thiệu rộng rãi hơn bởi chính những thầy trò, các nghệ sĩ trẻ Piano hàn lâm tương lai Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh, nhằm quảng bá đến thế giới một thương hiệu Việt - đó chính là Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh.
            Hoàng Long (ANVN22/11-2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét