Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Abel, cây đàn tình yêu của người Cơtu

Abel, cây đàn tình yêu của người Cơtu
Tác giả: Nguyễn Văn Sơn
            Nhạc cụ của người Cơtu khá đa dạng và phong phú, đàn Abel là một trong số đó. Người Cơtu gọi Abel là cây đàn tình yêu để rồi qua cây đàn tuy đơn giản này trai gái Cơtu tìm đến nhau kết duyên chồng vợ... Đây là loại nhạc cụ cổ xưa do tổ tiên người Cơtu chế tác và truyền lại cho từng gia đình và từng dòng họ. Thoạt nhìn đàn Abel giống như cây đàn cò của người Kinh. Đàn Abel của người Cơtu được làm bằng thứ gỗ cây dỗi, đàn có hai phần đó là phần đế đàn và thân đàn. Đế đàn được làm từ mảnh gỗ mỏng khoảng 1 cm, chiều dài khoảng 15 cm. Phần thân đàn là một ống lồ ô già có chiều dài khoảng 30 cm, đường kính độ 3 cm, một đầu của ống lồ ô được gắn vào đế của đàn, đầu kia gắn cần đàn (dây kéo). Tuỳ thuộc vào nghệ nhân chế tạo ra đàn mà có trạm trổ nhiều hoạ tiết hoa văn rất đẹp và sinh động. Phần trên của đàn được khoét một lỗ để gắn vào đó một cái chốt nhỏ bằng tre để lên dây đàn, từ đây có một sợi dây đàn được cột vào chốt nhỏ ấy chạy song song với thân đàn (ống lồ ô). Ngoài ra, từ chổ tiếp giáp giữa đế và thân đàn được gắn một sợi chỉ có chiều dài hơn thân đàn vào miếng vẩy trút (vâỷ con tê tê) hình tròn.
Ông Pơling Hạnh, 68 tuổi dân tộc Cơtu thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang tái hiện cảnh tình yêu không lời qua đàn Abel với người vợ của mình. Ảnh: Văn Sơn
Nghệ nhân A Tùng Vẽ, 86 tuổi dân tộc Cơtu hiện ở tại thôn Gừng thị trấn P’rao huyện Đông Giang cho biết: chơi đàn này có thể là một hoặc hai người. Trong trường hợp chơi hai người thì một người dùng cần kéo bằng nứa hoặc tre để tạo ra tiếng qua chổ tiếp giáp giữa dây đàn và thân đàn, đồng thời bàn tay trái bấm vào dây đàn tạo ra âm thanh. Người còn lại dùng miệng và hai hàm răng cắn lấy vẩy trút và giữ cho sợi chỉ trong trạng thái luôn căng, cùng lúc miệng người này vẫn hát nhưng hai hàm răng vẫn cắn chặt lấy vẩy trút tạo nên âm thanh khi trầm khi bổng có sức quyến rũ lạ thường. Đây là đàn để người con trai Cơtu thổ lộ tình yêu của mình với người con gái khi mà họ không nói được lời tâm sự.
Nghệ nhân Tơngôn Oi, 78 tuổi dân tộc Cơtu thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang đang chơi đàn Abel. Ảnh:V.Sơn

Đàn Abel rất có sức quyến rũ, nó có thể sử dụng bất cứ ở đâu, trong chòi rẫy hay trong nhà Moong, trong nhà Gươl, trong những dịp buôn làng có lễ hội truyền thống... Khi người con trai và người con gái Cơtu đến tuổi yêu nhau, họ dùng đàn để nói hộ tình yêu. Trong quá trình chơi đàn, người con trai kéo đàn cùng lúc mắt chàng trai luyết láy mắt với bạn tình của mình, người con gái miệng thì ngậm vẩy trút và răng lúc nào cũng cắn chặt nhưng môi luôn hở để âm thanh từ miệng thoát ra. Vì sợi chỉ ngắn nên khoảng cách giữa hai người càng gần hơn tạo nên sự gần gũi mà kín đáo quyến luyến, hai tâm hồn hoà quyện ở nhau bồng bềnh đôi lúc lại lâng lâng khó diễn tả được.
Nếu có dịp đến vùng đồng bào Cơtu sinh sống vào những dịp lễ hội truyền thống, hay Tết đến xuân về, tiếng đàn Abel thỏ thẻ lại càng làm cho mọi người thêm gần gũi và cởi mở hơn. Cùng với các loại nhạc cụ khác như:kèn Cabluốc, kèn K’loóc, sáo Rahênh...thì đàn Abel là loại nhạc cụ độc đáo gắn liền với truyền thống văn hoá bao đời của người Cơtu trên vùng Trường Sơn. Đáng tiếc rằng hiện nay người biết loại nhạc cụ này còn lại không nhiều./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét