Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

IPAD TRONG DẠY VÀ HỌC ÂM NHẠC

IPAD TRONG DẠY VÀ HỌC ÂM NHẠC

Thứ năm, 15/03/2012
Nguyễn Mai Kiên
Ngày nay, thiết bị di động đa phương tiện đã tiến những bước xa trên chặng đường công nghệ. Nhiều loại thiết bị nhỏ gọn nhưng vẫn có sức mạnh và ứng dụng đáp ứng được công việc đào tạo nói chung và việc dạy và học âm nhạc nói riêng.Một trong số đó là iPad, một chiếc máy tính bảng của hãng Apple xuất xưởng đầu tiên vào tháng tư năm 2010.

iPad có rất nhiều ứng dụng được Apple cũng như cộng đồng phát triển phần mềm viết ra phục vụ con người. Theo thống kê thì iPad hiện có khoảng 500,000 ứng dụng hỗ trợ công việc.
Đứng về góc độ giáo dục, các phần mềm được viết cho nhiều độ tuổi từ trẻ em đến người lớn, và ở nhiều lĩnh vực từ toán học, ngoại ngữ, thiên văn học, cho đến âm nhạc. Trong quá trình giảng dạy âm nhạc, chúng tôi thấy rằng có rất nhiều phần mềm ứng dụng tốt trong dạy và học âm nhạc.
Soạn bài giảng và quản lý học tập
Idea Boards, Sadun's Whiteboard, Keynote, Quick Offices... Các chương trình này có thể biến iPad thành màn hình trình chiếu bài giảng rất hiệu quả. Các bài giảng có thể được soạn trên máy tính hoặc trên ipad và được đưa vào chương trình và trình chiếu trong khi giảng bài. Chúng cho phép kết nối với TV hay máy chiếu Projector trong lớp học.
Trong khi giảng bài giáo viên có thể sử dụng các phần mềm như Phatpad hay là Penultimate để viết ngón tay hoặc dùng bút cảm ứng viết lên ipad những nội dung bài học. Sau khi viết những trang viết tay có thể được chuyển thành văn bản để in hay lưu lại cho những bài giảng sau.
Ngoài ra, những phần mềm như PrinterPro, AirPrint cho phép giáo viên in thẳng các trang giáo án trong iPad ra máy in thông qua kết nối với máy tính qua mạng không dây wifi.
Phần mềm để ghi chú hay soạn bài giảng
Complete Class Organizer: Công cụ hỗ trợ sinh viên sắp xếp các lớp học, ghi chú và thu thanh lại bài giảng đồng bộ giữa tiếng với ghi chú, quản lý bài tập, lịch thi...
QuickVoice Recorder: Phần mềm dùng cho thu thanh bài giảng rất tiện lợi.

Mobile Air Mouse: Công cụ để thuyết trình bài giảng hay điều khiển bài giảng trên máy tính mà không cần dùng chuột hay bàn phím máy tính.
Discover là một chương trình hữu ích để tra cứu thông tin trên Wikipedia.
iComposer là phần mềm ghi chú nốt nhạc. Ứng dụng cho phép nhận diện nốt nhạc qua micro có sẵn trong iPad. Thậm chí chỉ cần huýt sáo chương trình cũng nhận dạng thành nốt nhạc.
Chia sẻ dữ liệu giữa các máy ta có thể dùng thẻ nhớ USB thông qua bộ Camera Connection Kit. Hoặc khi lên lớp tài liệu giáo viên có thể tải lên internet thông qua các dịch vụ như Dropbox, SugarSync... với một tài khoản chung để từ đó sinh viên có thể truy cập và tải bài giảng xem trên máy của mình.
Các phần mềm soạn nhạc, nhạc đệm
Để có thể soạn phần nhạc đệm cho học sinh chuyên ngành thanh nhạc hay biểu diễn nhạc cụ, chúng ta có thể sử dụng các phần mềm như NanoStudio, iSequencer, MusicStudio, FL Studio HD... Các chương trình này đều có thư viện tiếng phong phú, nhiều âm sắc trong soạn nhạc.
iReal b là một phần mềm hữu ích để tạo phần đệm và cũng là thư viện các bản nhạc sẵn có giúp cho giáo viên và sinh viên luyện tập khi không có ban nhạc chơi cùng.
Chép nhạc
Symphony Pro có thể cho phép giáo viên viết nhạc và phát nhạc hay đơn giản là ghi chúnhững ý tưởng mới về ca khúc trong khi di chuyển. Chương trình có khả năng chép được những bản nhạc phức tạp với nhiều ký hiệu âm nhạc thường dùng. Sau khi chép, chúng ta có thể xuất ra các dạng như MIDI, PDF hay email cho mọi người.

Chơi nhạc cụ
Garaband, ThumbJam, bs-16i, WI guitar, WI Orchestra, Amplitude, Piano Pro... đều là các chương trình giả lập nhạc cụ để có thể luyện tập trên iPad. Các chương trình đều hỗ trợ các thiết bị như bàn phím MIDI bên ngoài, Microphone, cáp kết nối guitar hay bass để có thể dùng iPad như một hộp âm thanh, ứng dụng trong khi biểu diễn hay thu thanh. Các phần mềm như StudioTrack, Meteo, cho phép ta thu thanh đa kênh, nhiều bè, lý tưởng để ứng dụng thu thanh cho hát, nhạc cụ, lớp hòa tấu...
Nghe nhạc và thư viện âm thanh
Classical Music Master Collection: Một chương trình cho phép chúng ta nghe hơn 700 tác phẩm của các nhạc sỹ lớn như: Beethoven, Chopin, Debussy, Dvorak, Mozart, Bach, Schubert, Tchaikovsky, Vivaldi... Qua đó có thể kết nối đến từ điển bách khoa Wiki để tra cứu thông tin tác giả... Đây thực sự là một thư viện cá nhân của cả thầy và trò khi học các môn như sáng tác, lịch sử âm nhạc hay phân tích tác phẩm...
Một số ứng dụng của Việt Nam như ZingMp3, VietPop cho phép kết nối mạng trực tuyến để tìm các tác phẩm trong thư viện.
Sách nhạc và tài liệu
- ForScore là một chương trình đọc các tập tin PDF và có tính năng như một quyển sách nhạc điện tử với các tính năng chuyên biệt. Với chương trình này, tất cả các sách nhạc đã scan và số hóa có thể đưa vào chương trình để ngay lập tức tìm bài và chơi thay cho sách giáo khoa. Đây chắc chắn là một công cụ không thể thiếu cho người chơi nhạc. Chương trình còn hỗ trợ các thiết bị lật trang bằng chân cho những nhạc công chơi guitar, bass hay kèn... Thú vị hơn, chương trình còn có thêm tính năng lật một nửa mặt sau để cùng lúc hiển thị cả hai trang giúp việc chơi nhạc không bị gián đoạn.
- Scorch: Một chương trình có thể đọc, phát lại các tập tin được soạn bằng chương trình Sibelius trên máy tính. Các bản nhạc soạn trên máy tính bằng phần mềm Sibelius được đưa vào chương trình và cho phép thấy và cho xem, nghe và dịch chuyển các giọng khác nhau một cách dễ dàng. Chương trình này còn kết nối đến kho thư viện sách nhạc của hãng Avid để chia sẻ, mua hay tải lên những bản nhạc của cá nhân.
- Phần mềm History of Jazz là một tài liệu tham khảo lịch sử nhạc Jazz bằng video hỗ trợ rất tốt cho môn lịch sử âm nhạc Jazz Rock Pop. Chương trình có ví dụ bằng video giúp ta hiểu về các dòng nhạc Jazz.

- Best of the 70s là một ứng dụng giới thiệu về nhạc Rock những năm 1970 và cho phép nghe các trích đoạn ca khúc trong khi tra cứu.

Máy đánh nhịp, trống máy
Visual Metronome, BeatMonitor, iDrum, Rich Latham.... Là những phần mềm cho phép tạo tiết tấu, máy đánh nhịp hỗ trợ luyện tập nhạc cụ. Với khả năng soạn các tiết tấu từ đơn giản đến phức tạp giúp cho việc luyện tập chuyên ngành trở nên hữu ích và thú vị hơn.
Học lý thuyết âm nhạc, luyện tai nghe và trắc nghiệm.
EarForLife là một chương trình trắc nghiệm luyện tai nghe. Chương trình hỗ trợ môn ký xướng âm rất tốt với các phần nghe nốt nhạc, quãng, hợp âm.
Music Theory hay Musicopoulos cũng là những chương trình học lý thuyết âm nhạc và luyện tập trên máy.
Ngoài ra các phần mềm mạng để có thể kết nối các học viên, giáo viên với nhau để chia sẻ tài liệu thông tin, hỏi đáp... cũng có thể được ứng dụng trong khi giảng dạy.
Với hàng ngàn ứng dụng cho âm nhạc hiện nay khiến iPad trở nên một công cụ cực kỳ hữu ích cho cả thầy và trò. Cho đến thời điểm này, ở Hàn Quốc đã có những dự án đưa tất cả sách giáo khoa của học sinh vào iPad và chỉ với một chiếc iPad gọn nhẹ, học sinh có thể thay thế cho cả một chồng sách giáo khoa nặng nề mỗi khi đến trường. Ứng dụng iPad vào giảng dạy và học tập là rất hiệu quả và có thể là xu hướng trong tương lai. Nhưng hiện tại cũng còn nhiều điều bất cập khi sử dụng chúng để làm công cụ học tập và giảng dạy như: giá thành, sự phân tâm trong khi học của học viên, khả năng sử dụng vận hành, các phương tiện giảng dạy khác hỗ trợ chưa đồng bộ... Tất cả các điều trên khiến cho việc ứng dụng chúng trong trường học còn cần nhiều thời gian, tuy nhiên chúng ta cũng nên lạc quan và chủ động khai thác ngay những thế mạnh của thiết bị trong thời đại công nghệ để từ đó nâng cao chất lượng dạy và học âm nhạc.
Nguyễn Mai Kiên
(Nguồn: songnhac.vn)

1 nhận xét:

  1. Máy trợ giảng cũng là một thiết bị rất cần thiết trong dạy và học âm nhạc với nhiều chức năng và kiểu dáng gọn nhẹ, thời trang.

    Quý khách có nhu cầu mua sản phẩm máy trợ giảng vui lòng tới địa chỉ Số 132 phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội hoặc truy cập website maytrogiang.com.vn để đặt hàng trực tuyến.
    Rất hân hạnh được phục vụ quý khách hàng!

    Trả lờiXóa