Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Aida – tượng đài chiến thắng bất tử của Verdi

Aida – tượng đài chiến thắng bất tử của Verdi
Tác giả: Trần Minh Khoa

Mặc dù không thể có mặt tại khán phòng Khedivial nhưng khi được nghe kể lại về buổi công diễn, Verdi đã tỏ ra không hài lòng khi ghế ngồi của nhà hát chỉ dành cho các chức sắc, các chính trị gia và nhà phê bình thay vì công chúng. Vì lẽ đó, nhà soạn nhạc dành nhiều sự quan tâm hơn cho buổi ra mắt ở Ý, nơi mà ông mong muốn có một buổi công diễn thực sự.

Năm 1869, nhà hát mới xây dựng Khedivial ở thủ đô Cairo được khánh thành và ra mắt với vở opera Rigoletto của nhà soạn nhạc người Ý Giuseppe Verdi (1813-1901), nhân dịp kênh đào Suez hoàn thành cùng năm đó. Để thu hút sự chú ý của công chúng hơn nữa, Ismail Pasha, một phó vương Ai Cập và cũng là người cho xây dựng nhà hát, đã đặt hàng Verdi viết một vở opera mang tính chất dân tộc và màu sắc yêu nước.

Chấp nhận lời đề nghị, Verdi bắt tay ngay vào viết một vở opera bốn màn mà sau này trở thành một trong những kiệt tác của ông - Aida. Nhà Ai Cập học nổi tiếng người Pháp Auguste Mariette đã gợi ý cho Verdi về chủ đề của vở opera bằng những bản phác hoạ của mình.

Một cảnh trong vở opera Aida - Nguồn: mundoq.com

Những cảnh tượng thời Ai Cập cổ đại mà Mariette miêu tả trong bản thiết kế tổng thể đã làm cho Verdi thực sự bị ấn tượng mạnh mẽ và ông chuẩn bị ngay một kịch bản chi tiết bằng văn xuôi tiếng Pháp cùng với sự hỗ trợ của Camille du Locle, giám đốc nhà hát Opera-Comique tại Paris. Phần lời (libretto) tiếng Ý của vở opera được giao cho Antonio Ghislanzoni viết dựa trên kịch bản mà Verdi cung cấp. Verdi đã cộng tác rất chặt chẽ với Ghislanzoni về hình thức và tính chính xác trong từ ngữ của libretto và ông liên tục nhấn mạnh rằng các hình thức truyền thống sẽ được bỏ qua nếu chúng không hợp với mục đích kịch tính của tác phẩm.

Vở opera kể về nàng Aida, vốn là công chúa Ethiopia bị bắt làm nô lệ sau cuộc xâm lược của đế chế Ai Cập hùng mạnh, đã phải lòng Radames, một chiến binh trẻ đầy nhiệt huyết và dũng mãnh. Radames cũng đem lòng yêu thương người nữ nô lệ có tâm hồn trong trắng, thánh thiện và cự tuyệt tình yêu mà Amneris, con gái của Pharaoh dành cho chàng.

Cùng lúc đó, vua Ethiopia và cũng là cha của Aida, Amonasro nổi dậy chống lại Ai Cập nhằm giải cứu con gái và những người dân Ethiopia vô tội bị bắt làm nô lệ. Radames xin Pharaoh cho chàng được chỉ huy quân đội chống lại cuộc nổi dậy này, vì tình yêu, và cũng vì lòng trung thành đối với đất nước, nếu chiến thắng, chàng và Aida có cơ hội được chung sống với nhau. Đứng trước bi kịch này, Aida đã rất đau khổ với một sự mẫu thuẫn nội tâm sâu sắc, tiếng lòng yếu ớt của nàng đã cất lên: "Tôi biết khóc thương cho ai đây, biết cầu nguyện cho ai đây? Tại sao số phận lại trói buộc tôi với anh - kẻ thù của cả dân tộc Ethiopia?..." Còn gì đau đớn hơn khi người yêu của mình đang sắp đem quân tiêu diệt dân tộc mình. Kết quả là quân Ethiopia thua trận, Amonasro cùng binh lính bị bắt đưa về Ai Cập. Radames trở về trong niềm hân hoan chiến thắng.

Bi kịch nối tiếp bi kịch. Khi biết mối tình giữa Radames và Aida, Amonasro đã thao túng con gái thuyết phục Radames tiết lộ những bí mật quân sự của Ai Cập chống lại Ethiopia, bởi điều duy nhất ông quan tâm là đấu tranh và giành chiến thắng cho dân tộc mình. Radames đã để Aida trốn thoát cùng người cha và hành động phản quốc này đã bị Amneris phát hiện, nhưng Radames đã tự nguyện nộp mình cho các quan tư tế và bị giam giữ trong hầm ngục của đền thờ. Còn nàng Aida, vì tình yêu sâu nặng dành cho Radames nên đã lẻn vào ngục tối và quyết định chết cùng người yêu của mình.
Micaela Carosi trong vai Aida và Marcelo Alvarez trong vai Radames
- Nguồn: theartsdesk.com
Sau nhiều tháng trì hoãn do việc thiết kế trang phục bị cản trở bởi sự bùng nổ của chiến tranh Pháp - Phổ, Aida được dàn dựng và công diễn lần đầu tiên ở Cairo vào ngày 24 tháng 12 năm 1871 và thành công ngay lập tức. Mặc dù không thể có mặt tại khán phòng Khedivial nhưng khi được nghe kể lại về buổi công diễn, Verdi đã tỏ ra không hài lòng khi ghế  ngồi của nhà hát chỉ dành cho các chức sắc, các chính trị gia và nhà phê bình thay vì công chúng. Vì lẽ đó, nhà soạn nhạc dành nhiều sự quan tâm hơn cho buổi ra mắt ở Ý, nơi mà ông mong muốn có một buổi công diễn thực sự.

Trước khi thực hiện các chuyến lưu diễn ở châu Âu, Verdi đã tiếp tục chỉnh sửa lại tác phẩm nhiều lần. Ông đã viết một Overture (khúc mở màn) hoàn chỉnh cho buổi công diễn lần đầu ở Ý tại nhà hát La Scala, Milan vào ngày 8 tháng 2 năm 1872, nhưng lại bỏ nó đi trước khi buổi diễn diễn ra. Tuy nhiên, phần âm nhạc ballet được nhà soạn nhạc viết thêm cho buổi ra mắt ở Paris được hợp nhất vào bản in chính thức.

Opera Aida là một trong những tác phẩm đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ sáng tác thứ ba của Verdi. Chúng ta thực sự tìm thấy một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối giữa lời và nhạc với một sự chú trọng về vẻ đẹp của giọng hát và giai điệu. Với tính kịch được giữ trọn vẹn xuyên suốt tác phẩm, lối xây dựng nhân vật vững chắc, Verdi đã đưa người nghe rơi vào những cung bậc cảm xúc tình cảm rất đa dạng, từ vẻ trang nghiêm, niềm hân hoan đến nỗi đau khổ tột cùng, thống thiết và bi tráng, nhưng tất cả đều thể hiện rõ một tâm hồn Ý rất riêng và không thể nhầm lẫn với xu hướng trữ tình của Wagner.

Trong Aida, Verdi thực sự tỏ ra trưởng thành và vô cùng sắc sảo khi viết cho dàn nhạc với một ý thức rõ rệt về màu sắc hoà âm, điều này đã cho thấy sự khác biệt rõ rệt so với các tác phẩm được sáng tác trong thời kỳ đầu.
Những tiết mục khí nhạc đặc sắc khác trong vở opera như Triumphal March (Hành khúc chiến thắng) ở màn II thường được tách ra khỏi vở opera để biểu diễn như các tác phẩm hòa nhạc độc lập và thường xuyên xuất hiện trong các buổi lễ kỉ niệm chiến thắng của nhiều quân đội trên thế giới.

Bên lề của sự thành công và nổi tiếng cũng có một giai thoại về vở opera được kể lại rằng, một người nào đó tên là Bertoni đã bỏ ra 15 franc 19 centime để đi nghe Aida. Sau lần đầu tiên nghe nó, ông chẳng hề cảm thấy một sự thích thú nào đối với vở opera. Và ngày hôm sau, khi nghe tiếng vỗ tay hoan hô nồng nhiệt của công chúng, Bertoni đã quyết định bỏ thêm 20 franc để thử đi nghe lại một lần nữa, nhưng lần này cũng chẳng thể vừa lòng hơn. Đầy tức giận, Bertoni đã viết thư cho Verdi và quả quyết rằng vở opera là một thất bại, đồng thời yêu cầu nhà soạn nhạc gửi trả lại tổng cộng 35 franc 19 centime xem như đền bù cho khoản tiền mà ông đã bỏ ra một cách lãng phí để đi đến đây nghe nó. Ngạc nhiên thay, Verdi không những không cảm thấy mình bị xúc phạm mà ông còn tỏ ra cảm thông đối với sự phiền muộn của Bertoni. Ngay lập tức, Verdi viết cho nhà xuất bản và nhờ họ gửi cho Bertoni 31 franc 50 centime kèm theo lời nhắn: "Khoản này không nhiều như sự đòi hỏi của quý ngài, nhưng ngài có thể về nhà và ăn tối".

Đây có thể là sự thật hoặc chỉ là một câu chuyện thú vị được thêu dệt nên từ trí tưởng tượng nhằm gây chú ý cho dư luận thời đó. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, Aida đã và sẽ luôn là một trong những tượng đài bất tử của nghệ thuật opera làm say mê biết bao thế hệ thính giả nhạc cổ điển trên toàn thế giới.

Tuần Việt nam xin giới thiệu bản nhạc: Triumphe March (Hành khúc chiến thắng)
Trích từ opera Aida
Tác giả: Giuseppe Verdi
Thể hiện: Dàn nhạc giao hưởng Vienna (chỉ huy: Herbert von Karajan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét