Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Vở Opera một màn "Vũ điệu bảy lớp mạng che" (SALOME DANCE OF THE 7 VEILS )

Vở Opera một màn "Vũ điệu bảy lớp mạng che"
(SALOME DANCE OF THE 7 VEILS )

Tác giả : Ngọc Anh

Khi vua Herod, cha dượng của Salome, đề nghị Salome nhảy múa giúp vui trong buổi tiệc sinh nhật mình và thề sẽ tặng cô bất cứ thứ gì cô muốn để đáp lại, Salome chấp thuận. Vũ điệu của Salome hay còn gọi là Vũ điệu bẩy lớp mạng che diễn ra ngay sau đó, Salome từ từ trút bỏ bẩy lớp mạng che thân và kết thúc vũ điệu ngay dưới chân vua Herod.
 

Vở Opera một màn "Vũ điệu bảy lớp mạng che" -  SALOME DANCE OF THE 7 VEILS

 
Vở opera một màn Salome của nhà soạn nhạc Đức Richard Strauss (1864 - 1949) được công diễn lần đầu vào ngày 9 tháng 12 năm 1905 tại Dresden. Ngay lập tức, tác phẩm này đã làm dấy lên một cuộc luận chiến rộng rãi.

Những thính giả ưa phiêu lưu thì tán dương Salome vì thấy trong âm nhạc của nó các dấu hiệu mang tính tiên phong. Năm 1948, Arnold Schoenberg đã rút ra nhiều trích đoạn từ Salome để làm hình mẫu cho điệu tính mở rộng.

Còn các nhà phê bình bảo thủ thì chỉ trích nội dung suy đồi của Salome, vốn được dựa theo vở kịch cùng tên của Oscar Wilde. Siegfried Wagner, con trai của Richard Wagner, đã xếp Salome vào trong số "các tác phẩm nguy hiểm" của R. Strauss. Và Vũ điệu của Salome đầy cám dỗ chắc chắn là một trong những cảnh tai tiếng hơn cả trong vở opera luôn gây choáng váng này.

 Hình 01 - Vũ điệu Salome đầy cám dỗ... - Nguồn: zilltech.com
 
Salome, con gái của hoàng hậu Herodias, được Kinh Tân ước đề cập đến vì có liên quan đến cái chết của thánh John the Baptist. Truyền thống Cơ đốc giáo và nghệ thuật phương Tây miêu tả Salome như một biểu tượng của sự cám dỗ nữ tính cực kỳ nguy hiểm.
Trong vở opera Salome, Salome bị mê hoặc bởi vẻ xanh xao chết chóc của nhà tiên tri Jochanaan (tức thánh John the Baptist, người từ hầm giam đã nguyền rủa cuộc hôn phối loạn luân của Herodias và vua Herod) và để tuôn trào khao khát không thể kiểm soát được của mình là được chạm vào ông. Nhà tiên tri cự tuyệt cô, nói về Con Trai của Đức Chúa, người sẽ đến để cứu nhân loại.
Salome tiếp tục cầu xin một nụ hôn của Jochanaan nhưng nhà tiên tri bỏ xuống hầm giam sau khi bảo cô hãy tìm kiếm sự cứu rỗi linh hồn từ Đấng cứu thế. Salome sụp xuống trong thất vọng và ham muốn mãnh liệt.

Khi vua Herod, cha dượng của Salome, đề nghị Salome nhảy múa giúp vui trong buổi tiệc sinh nhật mình và thề sẽ tặng cô bất cứ thứ gì cô muốn để đáp lại, Salome chấp thuận. Vũ điệu của Salome hay còn gọi là Vũ điệu bẩy lớp mạng che diễn ra ngay sau đó, Salome từ từ trút bỏ bẩy lớp mạng che thân và kết thúc vũ điệu ngay dưới chân vua Herod.
Hình 02 - Bức tranh cảnh nàng Salome nhận được "phần thưởng" sau Vũ điệu bảy chiếc mạng - Nguồn:culturevulture.com


Salome khăng khăng đòi tặng thưởng là cái đầu của Jochanaan đặt trên một chiếc đĩa bạc. Cô không thèm đếm xỉa đến những vật thay thế giá trị khác mà vua Herod đề nghị như đồ trang sức, chim chóc quý hiếm, khăn choàng thiêng. Vị vua khiếp hãi cuối cùng cũng phải đầu hàng.
Sau một lúc chờ đợi căng thẳng, cánh tay đao phủ nhô lên từ hầm giam, dâng cái đầu Jochanaan lên cho Salome. Khi mây che khuất trăng, Salome say đắm chộp lấy phần thưởng, hướng vào Jochanaan như thể ông vẫn sống và hôn lên môi ông một cách đắc thắng. Kiệt sức vì khiếp đảm trước hành vi bệnh hoạn của Salome, Herod ra lệnh cho lính giết cô.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi vào thời điểm đầu thế kỉ 20, nhà hát Metropolitan Opera tại New York đã buộc phải ngưng diễn Salome ngay sau đêm mở màn vì bị công chúng la ló dữ dội. Trước đó, trong buổi công diễn Salome lần đầu tại Dresden, Marie Wittich, ca sĩ đầu tiên sắm vai Salome, không chịu thực hiện cảnh diễn tai tiếng Vũ điệu bẩy lớp mạng che: "Tôi sẽ không diễn đâu. Tôi là một phụ nữ đứng đắn."
Hình 03 - Nữ nghệ sỹ Nadja Michael trong vai nàng Salome đang say đắm chộp lấy "phần thưởng" là chiếc đầu của Jochaanan -  Nguồn: musicalcritical.com

Và trong những năm tiếp theo, ở cảnh này người ta thường cho một nữ diễn viên ballet ra múa thay ca sĩ soprano sắm vai Salome.

Vũ điệu bẩy lớp mạng che bắt đầu một cách cuồng loạn, âm nhạc được đẩy tới bằng những tiếng trống và tambourine dồn dập đầy âu lo, căng thẳng. Nhưng nhịp độ nhanh chóng chậm lại và tiếp theo là một nhịp valse mang vẻ nham hiểm.

Điệu nhạc có tính ngoại lai với dàn dây và tambourine mau chóng tham gia vào để truyền đạt tính chất mờ ảo và cám dỗ. Dần dần âm nhạc trở nên náo nhiệt hơn, nhục cảm hơn và suy đồi hơn. Tất cả quằn quại trong một vẻ điêu tàn đầy màu sắc, trong cảm giác quay cuồng tuyệt diệu của lễ hội. Âm nhạc lại chuyển sang điên cuồng cực độ và rồi chùng xuống trong chốc lát trước cái kết lưng chừng đầy mầu sắc.
Trong Salome, R. Strauss đã sử dụng kỹ thuật hoà âm nghịch tai, điều mà ông tận dụng triệt để trong vở opera tiếp theo của mình là Elektra. Nhận xét về ngôn ngữ hoà âm của hai vở, ông nói: "Cả hai vở opera này đều độc đáo trong số các tác phẩm của tôi. Trong chúng, tôi đã thấu tới những giới hạn tối đa của hoà âm."

Ngoài việc đem lại cho tác giả số tiền đủ xây một biệt thự lớn tại Garmisch, giá trị âm nhạc của Salome còn được khẳng định qua sức sống của vở đến tận ngày nay.


Tác giả : Ngọc Anh

 Strauss Salome Dance of the Seven Veils part 1



Ljuba Kazarnovskaya as Salome in "Dance of seven veils"

 

1 nhận xét: