Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

"Nhạc đỏ" - một thời để nhớ...


"Nhạc đỏ" - một thời để nhớ...

Vinh Nguyễn
Ngay từ khi nền tân nhạc mới chập chững những bước đi đầu tiên trên đất nước Việt Nam thì cũng là lúc Đảng Cộng sản Đông Dương phát động cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và trong những ca khúc tân nhạc đầu tiên do người Việt sáng tác đã có bài hát hô hào, cổ súy lòng yêu nước, xông pha nơi chiến trường tiêu diệt quân thù... Nhạc truyền thống cách mạng ra đời từ đó và trải dài qua hai cuộc kháng chiến với hàng ngàn ca khúc...
Nhiều người gọi dòng nhạc truyền thống cách mạng này là "nhạc đỏ" để phân biệt với "nhạc vàng" là dòng nhạc tình cảm do các nhạc sĩ miền Nam viết trước năm 1975. "Nhạc đỏ" không chỉ là những bài hát hào hùng, thúc giục tinh thần chiến đấu mà còn là những bài hát trữ tình thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi... Trải qua hai cuộc kháng chiến với hàng ngàn ca khúc, "nhạc đỏ" đã tạo nên một sắc thái riêng của chiến trường đầy máu và hoa. Những ca khúc ấy ra đời cách đây từ 30 đến... 65 năm, nhưng khi hát lại vẫn còn tươi nguyên những cảm xúc dạt dào...
Có lẽ đi "tiên phong" cho dòng nhạc cách mạng là những ca khúc của các nhạc sĩ: Lưu Hữu Phước (Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng...), Hoàng Quý (Bóng cờ lau), Nguyễn Hữu Ba (Lửa rừng đêm, Thu khói lửa)... để bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc kháng chiến 9 năm này, các nhạc sĩ - chiến sĩ khắp 3 miền đất nước đã cho ra đời những ca khúc tiêu biểu: Ở miền Bắc có Du kích sông Thao, Nhớ chiến khu (Đỗ Nhuận), Tiến quân ca, Đàn chim Việt (Văn Cao), Quê nghèo, Bà mẹ Gio Linh (Phạm Duy), Hò kéo pháo (Hoàng Vân)... Ở miền Trung có Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Lời người ra đi (Trần Hoàn), Đoàn vệ quốc quân, Có một đàn chim (Phan Huỳnh Điểu), Du kích Ba Tơ (Dương Minh Viên)... và miền Nam có Nam bộ kháng chiến (Tạ Thanh Sơn), Lên ngàn, Nhạc rừng (Hoàng Việt), Con kênh xanh xanh (Ngô Huỳnh), Tình đồng chí (Chính Hữu - Minh Quốc), Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Bính - Nguyễn Hữu Trí), Anh Ba Hưng (Trần Kiết Tường), An Phú Đông (Lê Bình)...
Năm 1954, hiệp định Geneve chia đôi đất nước. Ngay tại vết cắt kéo dài 21 năm này, các nhạc sĩ Đằng Giao và Hoàng Hiệp đã cho ra đời tác phẩm bất hủ Câu hò bên bờ Hiền Lương. Từ thời điểm này cho đến cuối tháng 4.1975 là cuộc kháng chiến trường chinh chống Mỹ, cuộc chiến gắn liền với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Con đường dài hàng ngàn km, xuất phát từ các tỉnh Bắc Trung Bộ men theo dãy Trường Sơn, có khi chạy qua đất bạn (Lào, Campuchia) và tập kết ở vùng Đông Nam Bộ. Biết bao đoàn quân với lương thực, khí tài từ miền Bắc chi viện cho miền Nam đã in dấu chân trên con đường này với muôn vàn gian khổ nhưng vượt thắng lên tất cả là... tiếng hát át tiếng bom với những Bài ca Trường Sơn (Trần Chung - Gia Dũng), Chiếc gậy Trường Sơn (Phạm Tuyên), Bước chân trên dãy Trường Sơn (Vũ Trọng Hối). Trường Sơn gian nan nghiệt ngã nhưng Trường Sơn cũng đầy tự hào, lãng mạn: Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (Huy Du), Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây (Hoàng Hiệp - Phạm Tiến Duật), Lá đỏ (Hoàng Hiệp), Vui mùa chiến thắng (Văn Chừng - Lam Hương)... Trùng trùng những đoàn quân trẩy đi qua từng vùng miền của Tổ quốc mà mỗi nơi đi qua các nhạc sĩ đã để lại dấu ấn qua các ca khúc mang phong cách dân ca của từng địa phương Tình yêu trên những dòng sông quan họ (Phan Lạc Hoa), Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (Nguyễn Văn Tý), Bóng cây Kơ nia (Phan Huỳnh Điểu - Ngọc Anh), Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp), Rừng xanh vang tiếng Ta lư (Phương Nam), Tiếng đàn Ta lư (Huy Thục), Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Bài ca may áo (Xuân Hồng), Rặng trâm bầu (Thái Cơ), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Lư Nhất Vũ), Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long (Huỳnh Thơ), Vàm Cỏ Đông (Trương Quang Lục - Hoài Vũ), Sông Dak Rông đón mùa xuân về (Tố Hải), Cùng hành quân giữa mùa xuân (Cẩm La – tức Hoàng Hà)... Hành trình của người chiến sĩ Giải phóng quân cứ xuôi theo những chiến trường, những địa danh tiêu biểu trong Những bước ta đi (Thuận Yến) để Hát mãi khúc quân hành (Diệp Minh Tuyền). Có chiến thắng nhưng cũng có những đau thương mất mát được thể hiện bằng những câu hát da diết trong Màu hoa đỏ (Thuận Yến - Nguyễn Đức Mậu). Và trong đạn lửa hiểm nguy vẫn có những chuyện "râu ria" đầy tính lạc quan yêu đời. Đó là chuyện hậu cần với những Nổi lửa lên em (Huy Thục - Lam Giang), Lê Anh Nuôi, Con cua đá... Là những Anh quân bưu vui tính (Đàm Thanh), thắm thiết nghĩa tình đồng đội như “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” (Dzoãn Nho – Hữu Thỉnh)... Tháng 9.1969, đoàn quân Nam tiến và nhân dân cả nước đón nhận cái tin đớn đau: Hồ Chủ tịch qua đời. Nỗi đau không ngăn được ý chí tiến công, càng vững tin vào lời Bác: Đêm Trường Sơn nhớ Bác (Trần Chung - Nguyễn Trung Thu), Tình Bác sáng đời ta (Diệp Minh Tuyền - Lưu Hữu Phước), Miền Nam nhớ mãi ơn Người (Lưu Cầu), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người (Trần Kiết Tường)...

"Nhạc đỏ" không chỉ là những ca khúc được sáng tác ở hậu phương miền Bắc, trong chiến khu, trên chiến trường mà còn là những sáng tác từ ngay trong nội ô Sài Gòn với phong trào đấu tranh đô thị với một trời hào khí Dậy mà đi (Nguyễn Xuân Tân), Hát cho dân tôi nghe, Đồng lúa reo (Tôn Thất Lập), Người mẹ Bàn Cờ (Trần Long Ẩn), Thuyền em đi trong đêm (Nguyễn Phú Yên), Tự nguyện (Trương Quốc Khánh), Tin tưởng ca (Nguyễn Tuấn Kiệt), Tổ quốc ơi ta đã nghe, Không ai ngăn nổi lời ca (La Hữu Vang), Nối vòng tay lớn (Trịnh Công Sơn), Tình nghĩa Bắc Nam (Nguyễn Văn Sanh)... Phong trào này còn được sự "góp lửa" từ xa với Tiếng hát những đêm không ngủ (Phạm Tuyên), Xuống đường (Huỳnh Minh Siêng)... Không thể liệt kê hết những bài hát ấn tượng của dòng nhạc cách mạng truyền thống nhưng với chiến thắng lịch sử 30.4.1975 tạo "men" cho những ca khúc Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên), Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng) như đã khép lại một thiên trường ca nhiều cung bậc tình cảm nhưng rất đỗi hào hùng từ hai cuộc kháng chiến vĩ đại kéo dài gần nửa thế kỷ của quân và dân Việt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
"Khép lại" nhưng không có nghĩa là chìm dần vào quên lãng, sau hơn 30 năm, nhiều hãng băng đĩa vẫn sản xuất nhiều album nhạc truyền thống được thể hiện bởi những giọng ca rất trẻ (Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Khánh Ngọc, Đoan Trang, Hồ Bích Ngọc, Bonneur Trinh, Nam Khánh...). "Nhạc đỏ" vẫn xuất hiện đều đặn trên các kênh truyền hình, thậm chí cả trên những sân khấu ca nhạc và... cả người hát lẫn người nghe vẫn có những cảm xúc tươi nguyên.
Ý kiến khán giả
Cô Ngọc Trân, giáo viên dạy nhạc: "Một ca khúc hay đáp ứng những nhu cầu thẩm mỹ không thua kém gì một bản giao hưởng. Nhìn từ góc độ đó, tôi cho rằng một bài nhạc phổ thơ có giá trị ngang bằng với mọi tác phẩm khác. Sự có mặt của ca khúc phổ thơ làm cho đời sống âm nhạc thêm phong phú hơn. Ca khúc phổ thơ đem đến cho người đọc một cảm giác thú vị khi cảm nhận mối duyên gặp gỡ đồng điệu của hai tâm hồn tri kỷ. Hai con người: một người làm nhạc, một người làm thơ thuộc hai thế giới khác nhau nhưng là tri kỷ của nhau về phương diện thẩm mỹ. Có khi họ thuộc hai thời đại khác nhau, hai đất nước khác nhau, hai vùng miền khác nhau vẫn có thể đồng điệu để tạo nên một tuyệt phẩm".
Thầy Quốc Nhật, giáo viên dạy văn: "Tôi nghĩ, ca khúc của một nhạc sĩ chưa chắc hoàn chỉnh 100% về ca từ lẫn giai điệu. Những trường hợp như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là rất hiếm. Tôi thích những ca khúc có ca từ đẹp. Mà ca từ muốn đẹp thì phải giàu chất thơ. Ca khúc phổ thơ có lợi thế là phần lời rất đầy đặn chất thơ này. Ngược lại, một nhà thơ tự làm nhạc sĩ sẽ có thể thiếu chuyên nghiệp về phần nhạc. Vì vậy, một ca khúc phổ thơ hay sẽ đáp ứng được nhu cầu chuyên nghiệp cả phần lời và nhạc. Người nghe vừa cảm nhận được nét đẹp của ca từ vừa cảm nhận được cái đẹp của giai điệu. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng không phải ca khúc phổ thơ nào cũng hay. Có những ca khúc giúp thơ hay thêm, có ca khúc khiến thơ trở nên... dở tệ !".

Vinh Nguyễn (ghi)
Hà Đình Nguyên  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét