Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Nhà báo – nhạc sĩ Phạm Hoàng Long: Viết báo cần cái đầu thông minh và tỉnh táo


Phóng viên TCNB đã có cuộc trò chuyện với nhà báo – nhạc sĩ Phạm Hoàng Long trong những ngày TP. Hồ Chí Minh đang nhộn nhịp kỷ niệm 100 năm ngày Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2011) và 86 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2011). Người vừa đoạt giải nhất trong cuộc thi “Tiếng hát người làm báo” lần thứ VII do Hội Nhà báo Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công ty Truyền thông Quốc tế tổ chức từ ngày 8/6/201114/6/2011. Ngoài ra anh còn là một nhà báo, biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng Nói Nhân Dân Tp. Hồ Chí Minh (VOH).

Phóng viên (PV): Được biết anh là một nhà báo đồng thời là nhạc sĩ. Vậy có thể gọi anh là nhà báo viết nhạc hay nhạc sĩ làm báo?

Nhà báo Phạm Hoàng Long (NB PHL): Tôi là nhạc sĩ làm báo. Trước khi đến với nghề báo tôi đã từng tốt nghiệp Đại học âm nhạc chuyên ngành Piano với sự hướng dẫn của NSUT Trần Thanh Thảo và chuyên ngành sáng tác với sự hướng dẫn của GS. TS Nguyễn Văn Nam tại Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh. Năm 2003, tôi bắt đầu bén duyên với nghề báo và phụ trách biên tập âm nhạc của đài VOH.

PV: Trong cuộc thi “Tiếng hát người làm báo” lần này, tại sao anh chọn bài hát “Tháng Năm nhớ Bác” mà không phải là bài khác?


 
Chương trình giao lưu: Ngòi Bút & Trái Tim 2011 - HTV
Nhạc sĩ - Nhà Báo Phạm Hoàng Long - Giải Nhất cuộc thi "Tiếng Hát Người Làm Báo 2011" với ca khúc "Tháng Năm Nhớ Bác" Nhạc : Thanh Bình, lời thơ: Tân Việt

NB PHL: Tôi chọn bài này có thể nói là “duyên kỳ ngộ”. Thứ nhất, tôi đã từng giới thiệu ca khúc này trong chương trình “Giới thiệu ca khúc mới” trên đài VOH do ca sĩ Anh Bằng và Trọng Tấn trình bày.
Thứ hai nhạc sĩ Thanh Bình (tác giả) là một người bạn thân của tôi, sau khi phổ nhạc từ lời thơ của nhà thơ Tân Việt, tác giả đưa xem và tôi thấy rằng mình cũng có thể trình bày tốt ca khúc này vì giai điệu ca khúc thích hợp với giọng hát của tôi.
 Thứ ba ca khúc phù hợp với chủ đề “Nhớ Bác” – một chương trình mà tôi chịu trách nhiệm đạo diễn để tham gia dự thi trong cuộc thi “Tiếng hát người làm báo” lần này nhân kỉ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 86 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.


PV: Cảm xúc của anh  khi tham dự cuộc thi lần này như thế nào?

NB PHL: Cuộc thi lần này có quy mô tổ chức lớn, không hạn chế các cơ quan báo đài ở TP. Hồ Chí Minh mà mở rộng ra các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… Là dịp để giao lưu, thi tài văn nghệ giữa các nhà báo, khẳng định rằng nhà báo không chỉ viết giỏi mà còn hát hay, múa đẹp.
 Tham gia chương trình lần này, tôi rất hồi hộp. Mọi công tác chuẩn bị từ biên tập ca khúc, hòa âm, phối khí… đều do mình chịu trách nhiệm dàn dựng nên rất lo lắng. Ở phần thi bán kết tôi tạm hài lòng, đó là động lực giúp tôi thể hiện tốt hơn nữa ở phần thi chung kết. Thể hiện ca khúc “Tháng Năm nhớ Bác” trong đêm chung kết, tôi nghĩ mình sẽ chiến thắng nhưng không biết ở mức độ nào. Tôi thật sự bất ngờ và hạnh phúc khi nghe nhạc sĩ Trần Long Ẩn – chủ tịch hội âm nhạc Tp. Hồ Chí Minh công bố kết quả là tiết mục Tháng Năm Nhớ Bác do mình trình bày đoạt giải cao nhất tại hội thi lần này. Tôi cảm thấy mình cũng có một chút may mắn trong cuộc thi.


PV: Như tôi được biết anh vừa hoàn thành bản giao hưởng về Hồ Chí Minh gồm 4 chương,  anh có  ý tưởng từ đâu?

NB PHL: Theo tôi để có ý tưởng mới thì bắt nguồn từ những ý tưởng cũ. Tôi đã có một loạt những nhạc phẩm viết về các chủ đề khác nhau ở các thể loại như: Ngũ tấu “Sóng Đàn Cửu Long” viết năm 2009 để tặng cha mẹ, thầy cô; chùm Prelude cho Piano “Ký ức tuổi thơ” viết năm 2006 gồm 8 bài viết cho thiếu nhi, các ca khúc về quê hương, đất nước… nhưng tôi chưa có một nhạc phẩm nào về Chủ Tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Vì vậy, tôi viết bản giao hưởng về Bác vừa để tốt nghiệp lớp cao học âm nhạc vào tháng 9 tới đây đồng thời để kỉ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước 5/6/1911 – 5/6/2011. Bản giao hưởng 4 chương với tiêu đề Hồ Chí Minh gồm: Chương I – Sứ Mệnh, Chương II – Ánh Sáng, Chương III – Niềm tin, Chương IV – Vinh Quang Việt Nam.
Và tôi rất mong có được sự ủng hộ của công chúng cũng như các ban ngành lãnh đạo thành phố để tôi có dịp giới thiệu tác phẩm này trong thời gian sắp tới.

PV: Bản thân gia đình anh có truyền thống nghệ thuật (ba là nhạc sĩ Phạm Lý), vậy “cái duyên” nào mang anh đến với nghề báo?
NB PHL: Mặc dù ba tôi là nhạc sĩ nhưng ông nguyên là Biên Tập Viên đài Tiếng Nói Việt Nam II, nguyên giảng viên Nhạc Viện TPHCM. Vì vậy tôi cũng muốn thử sức và làm mới mình ở một lĩnh vực khác đó chính là nghề báo. Có thể nói viết nhạc là nghiệp còn viết báo mới là nghề của tôi. Nhìn lại, tôi thấy nghề báo là nghề có ích cho xã hội, có thể làm nhiều điều tích cực cho cả hôm nay và mai sau.

PV: Từ lĩnh vực nghệ thuật chuyển qua làm báo thì anh gặp phải những khó khăn gì trong ngày đầu tác nghiệp?
NB PHL: Viết nhạc theo ngẫu hứng và cần cảm xúc nhưng viết báo thì lại cần cái đầu thông minh và sự tỉnh táo. Vì thế những ngày đầu làm báo tôi gặp nhiều khó khăn trong cách sử dụng ngôn ngữ báo chí, văn phong không “bay bổng” như các nhà báo chuyên nghiệp.
Nhưng cũng có một thuận lợi rằng, tôi được công tác trong lĩnh vực chuyên môn nên các bài viết, các chương trình thường tránh được những sai sót về âm nhạc. Qua đó có thể mang đến cho công chúng những góc nhìn, nhận định về âm nhạc.

PV: Hiện nay, một số dòng nhạc và ca sĩ mới xuất hiên bị đánh giá là “Thảm họa Vpop”, là một nhà báo kiêm nhạc sĩ anh nghĩ như thế nào về vấn đề này?
NB PHL: Đứng ở cương vị người làm báo, tôi cho rằng việc đăng tải thông tin trên báo chí gồm 2 kênh: kênh chính thống và kênh ngoài luồng. Kênh chính thống là những bài viết, chương trình…. có nhiệm vụ tuyên truyền theo chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước. Ví dụ như những chương trình giới thiệu những ca khúc hay, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc. Đối với kênh ngoài luồng thì thông tin đăng tải chủ yếu là lăng xê, PR cho các ca sĩ, ca khúc. Bên cạnh đó, bản thân các báo đều cạnh tranh tạo sự hấp dẫn nên đôi khi ít có sự chọn lọc thông tin khi đưa lên trang báo.
Còn là nhạc sĩ, theo tôi những phóng viên viết về âm nhạc cần phải có kiến thức hay ít ra cũng phải được đào tạo về âm nhạc thì thông tin sẽ sâu và dễ hiểu hơn đối với độc giả. Những mảng âm nhạc mang tính hàn lâm thì nên tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa. Như vậy sẽ tạo một hiệu ứng tốt trong xã hội, để công chúng không phải chỉ thấy một góc còn hạn chế của giới nghệ sỹ.


PV: Anh có suy nghĩ như thế nào về nhà báo, nghề báo hôm nay?
NB PHL: Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, nhà báo cần có trình độ chuyên nghiệp, không chỉ hiểu rộng mà phải biết sâu về chuyên môn, lĩnh vực mà mình phụ trách theo dõi để đứng vững trước những đòi hỏi và thách thức của thời đại mới. Bên cạnh đó, nhà báo phải yêu nghề và cần một tinh thần vững vàng nhất là phải có cái tâm để ngòi bút được trong sáng và có những thông tin kịp thời gửi đến công chúng.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh. Chúc anh ngày càng thành công trong cương vị là nhà báo và nhạc sĩ .

HOÀNG MINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét