Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Phạm Hoàng Long – sinh ra để làm nghệ thuật.


HOÀNG MINH


          Tôi gặp nhạc sĩ – nhà báo Phạm Hoàng Long trong những ngày Sài gòn đang nhộn nhịp kỷ niệm 86 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2011). Người vừa đoạt giải quán quân trong cuộc thi “Tiếng hát người làm báo” lần thứ 7 do Hội Nhà báo Tp. Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 9/6/2011 – 15/6/2011. Ngoài ra anh còn là một nhà báo kỳ cựu ở Đài tiếng nói nhân dân Tp. Hồ Chí Minh (VOH).

Phóng viên (PV): Được biết anh là một nhạc sĩ đồng thời là nhà báo. Vậy có thể gọi anh là nhạc sĩ làm báo hay nhà báo viết nhạc?

Nhạc sĩ – nhà báo Phạm Hoàng Long (NS-NB PHL): Tôi là nhạc sĩ làm báo. Trước khi đến với nghề báo tôi đã từng tốt nghiệp Đại học âm nhạc chuyên ngành Piano với sự hướng dẫn của NSƯT Trần Thanh Thảo và chuyên ngành sáng tác với sự hướng dẫn của GS. TS Nguyễn Văn Nam tại Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh. Năm 2003, tôi bắt đầu bén duyên với nghề báo và phụ trách biên tập âm nhạc của đài VOH. 
Nhạc sĩ Phạm Hoàng Long


PV: Bản thân được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật (ba là nhạc sĩ Phạm Lý), vậy anh có nghĩ rằng mình được di truyền yếu tố nghệ sĩ không?

NS-NB PHL: Gia đình tôi đều làm nghệ thuật, vì vậy tôi cũng được thừa hưởng tố chất nghệ sĩ từ ba mẹ. Bên cạnh đó, tôi được tiếp xúc với âm nhạc từ nhỏ, nên tư chất nghệ sĩ trong con người tôi sớm được phát triển. Tôi yêu âm nhạc và có thể nói rằng “âm nhạc là một phần không thể thiếu trong con người tôi”.

PV: Quê ở Đồng Tháp nhưng anh lại viết nhạc phẩm “Sài Gòn – Thành phố tôi yêu”, anh có thể nói về “cái duyên kỳ ngộ” này?

NS-NB PHL: Quê gốc tôi ở Đồng Tháp nhưng từ nhỏ tôi sống và lớn lên ở TP.HCM nên có nhiều tình cảm và kỉ niệm về mảnh đất Sài thành này. Hồi nhỏ tôi nghịch ngợm hay cùng bạn bè đi bắt dế chơi đá banh trong các công viên. Và đặc biệt tôi rất thích khi đi dọc con đường của Sài Gòn để quan sát những thay đổi. Đường  phố với những cánh lá hoa dầu bay bay trong gió vào mỗi chiều từng đôi tay trong tay rảo bước và trao cho nhau những lời yêu thương. Sài Gòn đẹp lắm với những câu hát ngân nga mỗi độ xuân về với niềm mong ước về một tình yêu, một niềm hạnh phúc để những chàng trai cô gái, để những câu hát nụ cười còn vương mãi trên môi:
                   Sài Gòn tôi yêu, tôi yêu sắc nắng Sài Gòn.
Sài Gòn tôi yêu những chiều sánh bước bên em
Chiều vàng ngập nắng, con đường cho má em hồng”
PV: Anh vừa hoàn thành bản giao hưởng Hồ Chí Minh gồm 4 chương để tốt nghiệp lớp cao học âm nhạc vào tháng 6 tới đây đồng thời để kỉ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước 5/6/1911 – 5/6/2011, anh có ý tưởng sáng tác từ đâu?

NS-NB PHL: Theo tôi để có ý tưởng mới thì bắt nguồn từ những ý tưởng cũ. Tôi đã có một loạt những nhạc phẩm viết về các chủ đề khác nhau ở các thể loại như: Ngũ tấu “Sóng Đàn Cửu Long” viết năm 2009 để tặng cha mẹ, thầy cô; chùm Prelude cho Piano “Ký ức tuổi thơ” viết năm 2006 gồm 8 bài viết cho thiếu nhi, các ca khúc về quê hương, đất nước… nhưng tôi chưa có một nhạc phẩm nào về Chủ Tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Vì vậy, tôi viết bản giao hưởng về Bác vừa để tốt nghiệp lớp cao học âm nhạc đồng thời để kỉ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước 5/6/1911 – 5/6/2011. Bản giao hưởng 4 chương với tiêu đề Hồ Chí Minh gồm: Chương I – Sứ Mệnh, Chương II – Ánh Sáng, Chương III – Niềm tin, Chương IV – Vinh Quang Việt Nam.
Và tôi rất mong có được sự ủng hộ của công chúng cũng như các ban ngành lãnh đạo thành phố để tôi có dịp giới thiệu tác phẩm này trong thời gian sắp tới.

PV: Xin anh nói rõ về nội dung của từng chương trong bản giao hưởng về Bác Hồ?

NS-NB PHL: Mỗi chương trong bản giao hưởng là từng giai đoạn, từ lúc Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đến ngày nước ta độc lập, thống nhất.
Chương I – Sứ mệnh:
Chương II – Ánh sáng:
Chương III – Niềm tin:
Chương IV – Vinh quang Việt Nam:

PV: Ngoài công việc sáng tác, anh còn biết đến với tư cách là một nhà báo kì cựu trong đài VOH - biên tập âm nhạc. Âm nhạc là đề tài hấp dẫn độc giả nhưng rất khó để vừa lòng tất cả mọi người, anh có thể chia sẻ về về công việc của mình?
NS-NB PHL: Tôi là biên tập viên âm nhạc cho đài VOH, thường giới thiệu những ca khúc mới, hay thông qua những cuộc thi để tuyển chọn những giọng hát hay, ngoài ra còn có các bài viết phản ánh thực trạng âm nhạc trong nước và quốc tế. Có thể nói nghề báo là “nghề làm dâu trăm họ” vì vậy tôi cũng chịu nhiều áp lực khi bài vở và chương trình quá nhiều. Làm thế nào để vừa lòng mọi độc giả là rất khó nhưng tôi vẫn cố gắng để làm tốt vai trò của mình.
Nhưng cũng may là tôi được công tác trong lĩnh vực chuyên môn nên các bài viết, các chương trình thường tránh được những sai sót về âm nhạc. Qua đó có thể mang đến cho công chúng những góc nhìn, nhận định về âm nhạc.

PV: Hiện nay, một số dòng nhạc và ca sĩ mới xuất hiên bị đánh giá là “Thảm họa Vpop”, là một nhạc sĩ kiêm nhà báo anh nghĩ như thế nào về vấn đề này?
NS-NB PHL: Những mảng âm nhạc mang tính hàn lâm thì nên tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa. Như vậy sẽ tạo một hiệu ứng tốt trong xã hội, để công chúng không phải chỉ thấy một góc còn hạn chế của giới nghệ sỹ.
Còn vị trí người làm báo, tôi cho rằng việc đăng tải thông tin trên báo chí gồm 2 kênh: kênh chính thống và kênh ngoài luồng. Kênh chính thống là những bài viết, chương trình…. có nhiệm vụ tuyên truyền theo chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước. Ví dụ như những chương trình giới thiệu những ca khúc hay, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc. Đối với kênh ngoài luồng thì thông tin đăng tải chủ yếu là lăng xê, PR cho các ca sĩ, ca khúc. Bên cạnh đó, bản thân các báo đều cạnh tranh tạo sự hấp dẫn nên đôi khi ít có sự chọn lọc thông tin khi đưa lên trang báo.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh. Chúc anh thành công.
HOÀNG MINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét