Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Sôi động nhiều điểm vui chơi, giải trí lễ 2-9

link gốc

Thứ Năm, 01/09/2011 10:12
Hà Nội:

* Ca nhạc: Hòa nhạc Điều còn mãi

Một trong những hoạt động âm nhạc đáng chú ý nhất trong dịp 2-9 tại Hà Nội là chương trình hòa nhạc Điều còn mãi, bắt đầu lúc 14g ngày 2-9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhạc sĩ Dương Thụ - Tổng Đạo diễn chương trình - cho biết Điều còn mãi sẽ giới thiệu kho tàng âm nhạc Việt Nam và thông qua đó đánh thức tình yêu đất nước của người Việt. Nhạc trưởng Việt kiều Lê Phi Phi tiếp tục được chọn làm chỉ huy dàn nhạc.

Các ca sĩ Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo sẽ tham gia đêm hòa nhạc - Ảnh: Gia Tiến

Điều còn mãi được bố cục hai phần: khí nhạc và thanh nhạc. Phần khí nhạc sẽ trình diễn hai tác phẩm của hai nhạc sĩ trẻ: giao hưởng thơ Lệ Chi viên của Trần Mạnh Hùng và Concerto đương đại của Nguyễn Mạnh Duy Linh. Bên cạnh đó là những tác phẩm của các nghệ sĩ thế hệ lớn tuổi gồm: Trở về đất mẹ viết cho cello và piano của Nguyễn Văn Thương, Hát ru viết cho violon và dàn nhạc của Hoàng Dương. Năm nay Điều còn mãi cũng chọn một bài dân ca chuyển thể là Bèo dạt mây trôi của Ngô Hoàng Quân. Nghệ sĩ piano Phó An My góp mặt trong một trích đoạn Bóng - tác phẩm hiện đang gây chú ý qua nhiều buổi diễn của chị.

Công chúng sẽ có dịp thưởng thức những bài hát Việt đi cùng năm tháng như: Ngọc lan (Dương Thiệu Tước), Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu), Tình em (Huy Du), Hoa sữa (Hồng Đăng)... và hai ca khúc đương đại: Trên đỉnh Phù Vân (Phó Đức Phương) cùng Họa mi hót trong mưa (Dương Thụ).

Chương trình năm nay có sự tham gia của các ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo và một gương mặt được giới thiệu là hoàn toàn mới: Hà Phạm Thăng Long.

Ngoài ra, 60 buổi biểu diễn nghệ thuật tại nhiều địa điểm trên khắp địa bàn thành phố như: quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đền Bà Kiệu, sân vận động Mỹ Đình... cũng sẽ diễn ra nhân kỷ niệm Quốc khánh 2-9. Gala tôn vinh Ngày âm nhạc Việt Nam sẽ diễn ra lúc 20g ngày 3-9 tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Hà Nội. Công chúng cũng có cơ hội thưởng thức âm nhạc đường phố tại khu chợ Đồng Xuân (Hà Nội) vào ngày 3-9.

Triển lãm: Việt Nam trên đường đổi mới

Triển lãm ảnh báo chí Chân dung người lao động Việt Nam hôm nay sẽ giới thiệu 104 tác phẩm được chọn từ 2.822 ảnh đơn và 120 bộ ảnh của 303 tác giả gửi về tham dự cuộc thi ảnh báo chí toàn quốc do CLB Ảnh báo chí tổ chức. Giải nhất cuộc thi thuộc về tác phẩm Diễn viên múa Linh Nga của tác giả Nguyễn Xuân Chính. Hai giải nhì thuộc về tác phẩm Nguồn sáng Trường Sa của tác giả Vũ Ngọc Hoàng và bộ ảnh Chân dung người phụ nữ trong ngành than khoáng sản Việt Nam của tác giả Đào Quang Minh. Ba giải ba thuộc về tác phẩm Mật phục nơi biên cương Nữ y sĩ điều trị Nguyễn Thị Thơ của tác giả Phùng Trọng Tuệ, Ông già biển cả của Trần Quốc Lâm.

Lễ trao giải và khai mạc triển lãm sẽ diễn ra ngày 2-9 tại Hội Nhà báo Việt Nam (59 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Triển lãm chuyên đề Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam trên đường đổi mới và hội nhập trưng bày hơn 200 hình ảnh, tư liệu hiện vật phản ánh khái quát về sự hình thành của Quốc hội, trong đó có những hiện vật gốc ít được giới thiệu như Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được Quốc hội khóa 1 thông qua năm 1946; biên bản và các văn bản của Quốc hội khóa I; giấy chứng minh thư, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa chứng nhận cụ Hồ Chí Minh là đại biểu Quốc hội khóa 1 của Hà Nội năm 1946...

Ngoài ra, triển lãm còn có các tài liệu, hiện vật phản ánh về đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay. Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến hết ngày 30-9.

Dịp này, các địa chỉ văn hóa quan trọng của thủ đô như Bảo tàng Hà Nội, khu di tích nhà tù Hỏa Lò, Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám... cũng sẽ bổ sung một số nội dung trưng bày để phục vụ nhu cầu khách tham quan.

Điện ảnh: Các rạp hoạt động hết công suất

Bên cạnh các bộ phim chiếu rạp, công chúng Hà Nội còn có thêm sự lựa chọn với các tác phẩm điện ảnh kinh điển tại rạp Cinematheque (22A Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ngày 4-9, khán giả yêu điện ảnh sẽ được xem những bộ phim ngắn xuất sắc nhất thế giới của dự án phim 48 giờ năm 2010 với giá vé rất mềm: 50.000 đồng/vé/người. Đêm chiếu này sẽ dành tặng khán giả những bộ phim hay nhất kèm theo phần quay quá trình làm phim The girl is mine (Cô ấy là nghệ sĩ kịch câm), bộ phim đã thắng chung cuộc trong cuộc thi làm phim 48 giờ năm 2010.

Ngoài ra, vào các ngày 4, 5 và 6-9, Viện Goethe Hà Nội (56-58 Nguyễn Thái Học) sẽ trình chiếu ba bộ phim về đề tài múa đương đại: Nhịp điệu là thế đó của Igor Stravinsky, phim Quán cà phê Müller giới thiệu một trong những vở múa nổi tiếng nhất của Pina Bausch (1940-2009) và Đại lộ của các phi hành gia kể về lịch sử của một gia đình dưới dạng một tác phẩm vũ kịch...

* Dịp nghỉ lễ năm nay, các rạp phim được dự báo hoạt động hết công suất để phục vụ đông đảo khán giả mê điện ảnh. Ở cụm rạp BHD Star Cinema (TP.HCM), Galaxy Cinema hay cụm rạp Megastar, các phim như Sự nổi dậy của loài khỉ, Bóng đêm kinh hoàng, Yêu lầm bạn thân... vẫn sẽ được chiếu tiếp. Phim Monte Carlo sẽ ra mắt đúng ngày 2-9 như góp một cơn gió lãng mạn cho các bạn trẻ vào dịp nghỉ lễ đến rạp xem phim.

Long ruồi - phim VN duy nhất ra rạp thời điểm này sau kỷ lục 3 ngày thu về 9,5 tỷ đồng (thông tin từ nhà phát hành) - vẫn sẽ giữ kỷ lục về số suất chiếu trong ngày 2-9, khi tạm tính sơ sơ tại các rạp ở các TP lớn trên toàn quốc đã có gần 250 suất chiếu, trong đó Megastar chiếm đến 117 suất chiếu (cụm rạp Megastar Hùng Vương cao nhất với 31 suất chiếu vào ngày 2-9). Cụm rạp Galaxy có 42 suất chiếu, BHD Star Cinema cũng tăng suất chiếu lên 14 suất cố định và nếu khán giả đông sẽ mở thêm hai phòng chiếu, nâng tổng số suất chiếu Long ruồi lên 19 suất/ngày. Đây quả là một tín hiệu vui cho các nhà làm phim Việt khi dù không phải mùa Tết nhưng phim Việt ra rạp vẫn áp đảo suất chiếu và doanh thu so với các phim “quốc tịch Hollywood”.

Xem múa rối nước tại bảo tàng

Vui chơi tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - Ảnh: H.Hương

Điểm đến quen thuộc của nhiều người Hà Nội là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội). Ngày 3 và 4-9, nơi đây sẽ diễn ra chương trình múa rối nước của phường rối Chàng Sơn (Hà Nội). Riêng ngày 4-9, công chúng có thể thưởng thức ca trù do CLB Unesco ca trù Hà Nội biểu diễn.

Từ ngày 2 đến 4-9 tại công viên Hồ Tây sẽ diễn ra chương trình ca múa nhạc cùng nhiều tiết mục khác như ảo thuật do David Trần biểu diễn, các chương trình tái hiện câu chuyện cổ tích của đội nghệ thuật công viên nước Hồ Tây (Alibaba và 40 tên cướp, Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn, Nàng tiên cá)... và nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật: hề xiếc, hề còi, hề câu cá...

Huế:

19g30 tối nay 1-9, lễ hội cầu ngư hai làng Hải Nhuận và Thế Mỹ sẽ khai mạc tại bãi biển xã Phong Hải (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế).

Lễ hội cầu ngư là một trong những sinh hoạt văn hóa độc đáo và đặc sắc của người dân miền biển - Ảnh: THÁI LỘC

Theo ông Nguyễn Viết Từ - Chủ tịch UBND xã Phong Hải, trưởng ban tổ chức lễ hội, lễ hội diễn ra trong hai ngày, bao gồm nhiều hoạt động tâm linh, văn hóa - thể thao và nhiều sinh hoạt cộng đồng của cư dân miền biển nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, biển cả được mùa, dân chúng ấm no... Từ 7g sáng nay, lễ cúng tế thần linh được tổ chức long trọng, tôn nghiêm tại hai đình làng. Tiếp theo là đám rước thần với đầy đủ cờ lọng, nghi trượng sẽ diễu hành quanh các thôn xóm thuộc hai làng Hải Nhuận và Thế Mỹ. Hội thi đan lưới, hội thi kéo co được tổ chức chiều cùng ngày. Đặc biệt là tiết mục thả hoa đăng trên biển lúc 19g tối nay.

Ngày mai 2-9, từ 6g30 lễ mittinh sẽ diễn ra với sự tham gia của tất cả đoàn thể và cộng đồng làng. Tiếp theo là hội đua thuyền trên biển, cuộc thi bóng chuyền, bóng đá bãi biển và nhiều hoạt động văn hóa dân gian của người dân miền biển. Đến 19g cùng ngày, hội diễn văn nghệ quần chúng kết thúc lễ hội cầu ngư ở làng quê này.

8g30 ngày 2-9, Ngày hội giới thiệu sản phẩm truyền thống Thủy Biều sẽ khai mạc tại làng Nguyệt Biều, 467 Bùi Thị Xuân, TP Huế. Đây cũng là lúc ngôi làng cổ nổi tiếng với vườn tược xanh ngút ngàn nằm ven sông Hương này bước vào chính vụ thanh trà (một loại bưởi của riêng Huế).

Tham gia lễ hội, mọi người sẽ được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống, đặc sản của người dân Nguyệt Biều như các loại bánh, bún, cháo, các món ăn chế biến từ thanh trà và rau củ quả, tôm cá đánh bắt từ sông Hương... Ngoài ra, người tham gia sẽ được tận mắt xem biểu diễn các nghề truyền thống như gò hàn, may mặc, làm hương trầm, nuôi chim cảnh và chơi những trò chơi dân gian xứ Huế...

Trong khuôn khổ lễ hội sẽ có các hoạt động như: hội thi trái ngon thanh trà xứ Huế, hội thi ẩm thực các sản phẩm từ làng Nguyệt Biều, hội thảo về phát triển thanh trà bền vững tại tỉnh Thừa Thiên - Huế... Ông Tôn Thất Đào - chủ tịch UBND phường Thủy Biều, cam kết sẽ vận động nhân dân dùng tất cả các loại sản phẩm sạch và ngon của địa phương để chế biến ẩm thực phục vụ mọi người.

Tại Đà Nẵng, chương trình lễ hội âm nhạc, thể thao nước chào mừng Quốc khánh 2-9 sẽ diễn ra từ 16g-21g ngày 2-9 ở sông Hàn (đoạn đối diện chợ Hàn). Cụ thể: Từ 16g-16g50 là chương trình biểu diễn nhạc hòa tấu flamenco, violon. Từ 16g50-18g10 trên sông Hàn sẽ diễn ra lễ hội lướt ván, dù kéo, lướt ván đơn, ván kép trên nền nhạc và sau đó là chương trình khai mạc. Từ 19g50-21g: biểu diễn hòa tấu guitar, saxophone, violon...

* Ngoài lễ hội cầu ngư và hội thanh trà, tại Huế dịp này sẽ diễn ra triển lãm chuyên đề Sưu tập tư liệu bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Huế (7 Lê Lợi, TP Huế). Lúc 16g30 ngày 1-9, triển lãm mỹ thuật Dấu ấn cuộc sống của các họa sĩ đồ họa tạo hình đến từ Hà Nội, Huế, TP.HCM và Thái Lan sẽ khai mạc tại làng nghề Huế - Trung tâm văn hóa Phương Nam (15 Lê Lợi, TP Huế).

* 20g ngày 3-9, chi hội nhạc sĩ Việt Nam tại Huế và Hội Âm nhạc tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức chương trình Trình tấu nhạc cổ điển và giới thiệu ca khúc mới tại Full House, 45 Lê Lợi, Huế (trong khuôn viên khách sạn Century).

* Từ 17g-21g30 các ngày 2, 3, 4-9, chương trình Ẩm thực cuối tuần do các đầu bếp của khách sạn Sài Gòn Morin đảm nhận sẽ diễn ra tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ven bờ sông Hương, TP Huế.

* 20g ngày 4-9, đêm chung kết xếp hạng và trao giải Sao Mai 2011 diễn ra tại Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế (41A Hùng Vương, TP Huế) với chín thí sinh xuất sắc đại diện cho ba phong cách âm nhạc (thính phòng, dân gian và nhạc nhẹ). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV3 và VTV Huế.

Tp. Hồ Chí Minh:

Ca nhạc: Giao hưởng Hồ Chí Minh

Lúc 19g30 ngày 2-9 tại công viên 23-9 sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật kỷ niệm Quốc khánh 2-9 với chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, những thay đổi vượt bậc của thành phố trong thời kỳ mới.

Chương trình gồm hai phần, phần đầu do Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP.HCM thực hiện, phần còn lại do Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM đảm nhiệm. Xen giữa chương trình là phần trực tiếp bắn pháo hoa mừng Quốc khánh của thành phố. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9.

Nhóm Mắt Ngọc tham gia chương trình Quê hương và tuổi trẻ ở NVH Thanh niên, TP.HCM - Ảnh: Gia Tiến

Cùng thời điểm, tại sảnh số 4 Phạm Ngọc Thạch, Nhà văn hóa Thanh niên sẽ diễn ra chương trình ca nhạc Quê hương và tuổi trẻ với những ca khúc ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu tuổi trẻ như: Nhạc rừng, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Hát cùng bạn bè tôi... với sự tham gia của các ca sĩ: Hoàng Bách, Minh Huy, Hà Mi, Anh Tài, nhóm Mắt Ngọc, Piano, Hero...

Trước đó, lúc 9g cùng ngày, tại hội trường B Cung văn hóa Lao động TP.HCM sẽ diễn ra chương trình ca nhạc với sự tham gia của các ca sĩ Mỹ Hạnh, Uyên Thy, nhóm Giờ Thứ 9, các giọng ca đoạt giải cao từ hội thi song ca giọng hát hay 2011 Mùa xuân tình yêu, CLB Hoa sen trắng, CLB ca múa dân gian Hữu Nghị... với các nhạc phẩm: Đất nước, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người, Đất nước trọn niềm vui... Chương trình không bán vé, vào cửa tự do.

Sân khấu: Dựng lại Sống thử

Các sân khấu kịch thành phố trong mùa lễ năm nay phần lớn đều diễn lại vở cũ ăn khách, riêng sân khấu 5B quyết định dàn dựng và diễn lại vở Sống thử (kịch bản: Ngọc Trúc, đạo diễn: Công Ninh). Đây là lần thứ ba vở được dàn dựng lại, lần đầu tiên vào năm 2006. Lần này êkip diễn viên cũ chỉ còn Mỹ Uyên và Thanh Hải, vở bổ sung các diễn viên trẻ như: Quý Bình, Diễm Châu, Hoàng Anh, Lê Phương, Hùng Thuận... sẽ diễn hai suất lúc 16g30 và 20g30 ngày 2-9. Sống thử là vở kịch viết về tình yêu và quan niệm sống của giới trẻ hiện đại.

Cũng trong ngày 2-9, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tổ chức chương trình kỷ niệm ngày Quốc khánh tại đền Bến Dược, Củ Chi với các tiết mục ca cổ, ca cảnh, trích đoạn: Mẹ và mùa thu bất tử, Bài ca nhớ Bác, Đất nước, Từ mùa thu ấy ta đi, Rồi sầu riêng lại trổ bông, Màu hoa đỏ... qua sự thể hiện của các nghệ sĩ: Thoại Mỹ, Phượng Hằng, Kim Tiểu Long, Thoại Miêu, Tú Sương, Lê Tứ, Võ Minh Lâm, Lê Hồng Thắm, ca sĩ Thanh Sử...

Chào mừng Quốc khánh, công viên văn hóa Đầm Sen tổ chức khá nhiều hoạt động từ ngày 2 đến 4-9 như: giải đấu hip hop Damsencup (ngày 2-9), hội ngộ danh hài “Cười thiệt đã” (2 và 3-9), mini show của NSƯT Kim Tử Long (2, 3 và 4-9). Đặc biệt, chương trình bắn pháo hoa mừng Quốc khánh tại cầu Cửu Khúc lúc 21g ngày 2-9, khác với những lần trước đây chương trình năm nay có phần biểu diễn pháo hoa nghệ thuật tạo hình.

Điện ảnh: Các rạp hoạt động hết công suất

Dịp nghỉ lễ năm nay, các rạp phim được dự báo sẽ hoạt động hết công suất để phục vụ đông đảo khán giả mê điện ảnh. Ở cụm rạp BHD Star Cinema, Galaxy Cinema hay cụm rạp Megastar, các phim như Sự nổi dậy của loài khỉ, Bóng đêm kinh hoàng, Yêu lầm bạn thân... vẫn sẽ được chiếu tiếp. Phim Monte Carlo sẽ ra mắt đúng ngày 2-9 như góp một cơn gió lãng mạn cho các bạn trẻ vào dịp nghỉ lễ đến rạp xem phim.

Long ruồi - phim VN duy nhất ra rạp thời điểm này sau kỷ lục ba ngày thu về 9,5 tỉ đồng (thông tin từ nhà phát hành) - sẽ giữ kỷ lục về số suất chiếu trong ngày 2-9, khi tạm tính sơ sơ tại các rạp ở các TP lớn trên toàn quốc đã có gần 250 suất chiếu, trong đó Megastar chiếm đến 117 suất chiếu (cụm rạp Megastar Hùng Vương cao nhất với 31 suất chiếu vào ngày 2-9). Cụm rạp Galaxy có 42 suất chiếu, BHD Star Cinema cũng tăng suất chiếu lên 14 suất cố định và nếu khán giả đông sẽ mở thêm hai phòng chiếu, nâng tổng số suất chiếu Long ruồi lên 19 suất/ngày. Đây quả là một tín hiệu vui cho các nhà làm phim Việt khi dù không phải mùa tết, nhưng phim Việt ra rạp vẫn áp đảo suất chiếu và doanh thu so với các phim “quốc tịch Hollywood”.

Triển lãm ảnh Việt Nam 66 năm độc lập

Triển lãm Tự hào Việt Nam - 66 năm độc lập, tự chủ và phát triển do Trung tâm Thông tin triển lãm Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM tổ chức sẽ khai mạc sáng 1-9 tại công viên Lam Sơn (trước Nhà hát thành phố) với hơn 100 bức ảnh nghệ thuật và tư liệu. Trong số ảnh này có 15 bức ảnh tư liệu về những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau ngày độc lập 2-9-1945 được Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cung cấp.

Song song đó, một triển lãm chủ đề Thành phố Hồ Chí Minh - hội nhập và phát triển với 80 ảnh thể hiện những thành tựu của thành phố trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ diễn ra tại công viên Chi Lăng.

Đồng thời trên trục đường Đồng Khởi (đoạn từ Nguyễn Du đến Lý Tự Trọng) cũng triển lãm 60 ảnh nghệ thuật chủ đề Hương sắc Việt Nam với nội dung giới thiệu cảnh đẹp ba miền do các nghệ sĩ nhiếp ảnh của TP.HCM thực hiện.

Các ảnh trưng bày đến hết tháng 9-2011.

Nhạc viện TP.HCM sẽ giới thiệu tác phẩm Giao hưởng Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Phạm Hoàn Long, với phần chỉ huy và biểu diễn của NSƯT Trần Vương Thạch và Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện TP, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 66 năm Quốc khánh.

Buổi hòa nhạc sẽ diễn ra lúc 20g ngày 1-9 tại phòng hòa nhạc Nhạc viện TP (112 Nguyễn Du, Q.1). Bản Giao hưởng Hồ Chí Minh gồm bốn chương: Sứ mệnh, Ánh sáng, Niềm tin và Vinh quang Việt Nam được nhạc sĩ Phạm Hoàn Long lấy ý tưởng từ điệu hò Đồng Tháp nổi tiếng của vùng sông nước Nam bộ. Được đào tạo chính quy đại học chuyên ngành piano, sáng tác và chuẩn bị tốt nghiệp thạc sĩ sáng tác tại Nhạc viện TP. HCM, nhạc sĩ Hoàn Long đã sáng tác nhiều tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc đoạt nhiều giải thưởng trong nước. Hiện anh là biên tập viên ban văn nghệ Đài Tiếng nói nhân dân TP. HCM (VOH).

Nhóm PV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét